KẾT QUẢ CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ THÀNH CÔNG NUÔI MỘT SỐ ĐỐI TƯỢNG ĐẶC SẢN CHO SRI LANKA

Dự án hợp tác quốc tế Hỗ trợ kỹ thuật và phát triển nuôi trồng thủy sản cho chính phủ Sri Lanka giai đoạn 2013 – 2014” do chính Phủ Việt Nam tài trợ để giúp đỡ Sri Lanka phát triển nuôi biển về các đối tượng: hải sâm, tôm hùm và rong biển. Phòng Nghiên cứu Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản nội địa được giao thực hiện dự án. Trong hai năm thực hiện, dự án đã đạt được những kết quả rất tốt như sau:

1. Công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm hải sâm

- Dự án đã đầu tư xây dựng một trại sản xuất giống hải sâm (cải tạo từ trại sản xuất tôm sú giống) tại thị trấn Chilaw và chuyển giao kỹ thuật cho phía Sri Lanka vận hành hiệu quả. Số lượng hải sâm giống được sản xuất ra là 10,3 vạn con/đợt (vượt 3% so với kế hoạch của dự án).

- Dự án đã xây dựng một mô hình thử nghiệm nuôi hải sâm thương phẩm trong đăng ngoài biển tại Karamba, huyện Puttalam với quy mô 5.000 m2 và số lượng giống thả được thả là 8.000 con. Đến thời điểm đoàn đi đánh giá dự án, hải sâm phát triển tốt, kích thước bình quân đạt 300-350 g/con (vượt 3.000 con hay vượt 60% so với kế hoạch).

- Ngoài ra, dự án đã xây dựng một mô hình nuôi ương hải sâm tại Karamba, huyện Puttalam với diện tích ao ương là 1189,5 m2 (39m x 30,5 m). Số lượng giống đã thu hoạch được là: 11.000 con giống. Đây là mô hình không có trong dự án (vượt 100%).

- Thêm vào đó, một mô hình nuôi hải sâm trong ao đất tại Pulichchikulam, huyện Puttalam đã được thực hiện với diện tích 3.000 m2 với số lượng 4.000 con giống được thả. Đây cũng là mô hình không có trong dự án (vượt 100%).

Như vậy, dự án đã thực hiện thêm 2 mô hình (vượt 200% so với kế hoạch ban đầu).

 2. Công nghệ nuôi tôm hùm thương phẩm trong lồng

- Dự án đang thực hiện 01 mô hình nuôi tôm hùm thương phẩm trong lồng. Phía Việt Nam đã mang lưới sang và hướng dẫn cán bộ, nông dân Sri Lanka cách làm lồng (1 lồng gồm 4 ô, kích thước mỗi ô là 3x3x3m2). Số lượng tôm hùm giống được thả là 300 con (từ tháng 11/2013). Hiện nay, tôm khỏe mạnh, tốc độ sinh trưởng tốt nhưng chưa thu hoạch còn nuôi tiếp nên chưa xác định được tỷ lệ sống và sản lượng. Theo đánh giá của đoàn công tác, hiện tôm phát triển tốt (trung bình 650 g/con).

3. Công nghệ trồng rong biển thương phẩm

- Sau khi xác định địa điểm triển khai mô hình trồng rong sụn tại làng Valaipadu thuộc xã Poonakary, huyện Kilinochchi, dự án đã thực hiện thành công 03 mô hình, bao gồm: 01 mô hình trồng giàn với diện tích 1.500 m2, năng suất đạt 7,6 tấn khô/ha/vụ 3 tháng (vượt 153,3%); 01 mô hình trồng đáy với diện tích 1.000 m2, năng suất đạt 5,8 tấn khô/ha/vụ 3 tháng (vượt 153,3%)  và 01 mô hình trồng rong trong ống lưới với diện tích 400 m2, năng suất đạt 3 tấn khô/ha/vụ 3 tháng (Đạt 100%).

4. Nhận xét:

Dự án đã được thực hiện thành công. Phía Việt Nam đã thực hiện đầy đủ các nội dung theo đúng tiến độ và đảm bảo đầy đủ các sản phẩm. Một số nội dung vượt so với yêu cầu như sản xuất giống hải sâm, mô hình nuôi hải sâm thương phẩm trong ao và sản lượng rong biển. Phía Việt Nam đã chuyển giao thành công 3 công nghệ cho phía Sri Lanka, đã tổ chức tham quan, đào tạo tập huấn cho 6 cán bộ NAQDA về kỹ thuật sinh sản và ương, nuôi thương phẩm hải sâm, nuôi tôm hùm trong lồng và trồng rong biển.

- Ông Tổng Cục trưởng đánh giá rất cao kết quả của dự án. Các công nghệ của Việt Nam rất tốt và ổn định. Phía Việt Nam đã chuyển giao 1 cách “cởi mở”, không dấu giếm bí quyết công nghệ. Nhờ vậy, cán bộ phía Bạn đã tiếp nhận được kỹ thuật và đến nay có thể tự thực hiện được. Ông Tổng Cục trưởng  thủy sản cho biết thêm, nghề nuôi biển ở Sri Lanka chỉ mới bắt đầu từ con số 0, trước đây không có nghề nuôi tôm hùm, hải sâm và rong biển. Dự án đã tạo ra 3 công nghệ nuôi biển đầu tiên cho phía bạn và đến nay đã có nhiều hộ nông dân học tập, áp dụng nhân rộng (có 27 hộ đang trồng rong biển và 12 hộ nuôi hải sâm theo công nghệ của Việt Nam).

- Nông dân Sri Lanka rất quan tâm và phấn khởi về sự giúp đỡ của Việt Nam để phát triển 3 đối tượng nuôi trên và đang tiếp tục nhân rộng.

- Nhóm chuyên gia của Viện Nghiên cứu Nuôi Trồng Thủy sản III đã cùng ăn, cùng ở và cùng làm với các hộ dân; đã phát huy hết trách nhiệm của mình, thực hiện dự án thành công trong điều kiện ăn, ở và làm việc rất khó khăn ở vùng nông thôn hẻo lánh (cách Thủ đô Colombo hơn 400 km), nhạy cảm về an ninh, không có điện và nước ngọt sinh hoạt.

- Trong tháng 6/2014, Đại sứ Việt Nam tại Sri Lanka Tôn Sinh Thành đã đi thăm vùng dự án, làm việc với Tỉnh trưởng tỉnh Tây Bắc và có cuộc họp báo tại đây. Thống nhất với ý kiến phía Sri Lanka, Đại sứ Tôn Sinh Thành đánh giá cao kết quả của dự án và mong muốn hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực thủy sản ngày càng phát triển.

- Thông qua Dự án, tình hữu nghị giữa 2 nước ngày càng thắt chặt. Dự án này đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phía Bạn đồng ý cho Việt nam đặt tượng đài của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại công viên Thủ đô và bố trí 01 phòng tại Thư viện Colombo để giới thiệu về Việt Nam và cuộc đời của Bác (Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Tổng thống Sri Lanka dự lễ khánh thành tượng đài Hồ Chí Minh tại thư viện Colombo ngày 25/11/2013).

              Thái Ngọc Chiến

Trưởng phòng Nghiên cứu và Khai thác bảo vệ nguồn lợi thủy sản nội địa


Đối tác

 
>