Lượt truy cập:

1.956.844

Thời gian:

21/12/2024

Viện Nghiên cứu năng động nhất, tạo ra những giải pháp khác biệt, bền vững và cần thiết cho cộng đồng

GIỚI THIỆU CHUNG

GIỚI THIỆU CHUNG
Theo thống kê của Tổ chức Lương thực Thế giới (FAO) năm 1995, khoảng 70% nguồn lợi thủy sản trên thế giới đang bị khai thác quá mức. Sự giảm sút về nguồn lợi của các loài thủy sản kéo theo sự suy giảm tính đa dạng về cơ sở di truyền và vì thế cho đến khi xác định được các tác nhân gây nên sự giảm sút thì một phần vật liệu di truyền đã bị mất đi. Trong khi đó các chương trình giống như gia hóa và nâng cao chất lượng con giống đều phải dựa trên biến dị di truyền của quần thể trong tự nhiên.

 

1.THÔNG TIN BẢO TỒN
Xây dựng 20 khu bảo tồn biển: Ngày 24/11, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức Hội thảo về quy hoạch và bảo tồn các Khu Bảo tồn biển ở Việt Nam. Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia hệ thống các khu bảo tồn biển Việt Nam, khẳng định, hướng đến một hệ thống khu bảo tồn biển hiện đại chính là góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản bền vững ở Việt Nam. Bởi vậy, hiện Bộ NN&PTNT đang cho xây dựng, quy hoạch một hệ thống khu bảo tồn biển đồng bộ dọc biển Việt Nam. Theo đó, nếu được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch, đến năm 2015, cả nước sẽ có khoảng 15 khu bảo tồn biển. Đây là những khu đại diện cho các vùng biển Việt Nam, từ vùng biển phía Bắc (có khu bảo tồn Bái Tử Long- Quảng Ninh, Cát Bà-Hải Phòng) cho đến tận vùng biển phía Nam (như khu bảo tồn Phú Quốc- Kiên Giang). Sau đó, trong giai đoạn 2015 - 2025, sẽ đề xuất xây dựng thêm 5 khu bảo tồn biển. (nguồn: http://www.monre.gov.vn).
  • Địa điểm dự kiến xây dựng 15 khu bảo tồn biển:
  • Đảo Trần, Cô Tô - Quảng Ninh;
  • Cát Bà, Bạch Long Vĩ - Hải Phòng;
  • Hòn Mê - Thanh Hoá;
  • Cồn Cỏ - Quảng Trị;
  • Sơn Trà - Hải Vân - Thừa Thiên Huế;
  • Cù Lao Chàm - Quảng Nam;
  • Lý Sơn - Quảng Ngãi;
  • Hòn Mun, Nam Yết - Khánh Hoà;
  • Hòn Cau, Phú Quý - Bình Thuận;
  • Côn Đảo - Bà Rịa - Vũng Tàu;
  •  Phú Quốc - Kiên Giang.
2.NỘI DUNG, ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU BẢO TỒN, LƯU GIỮ NGUỒN GEN THUỶ SẢN
2.1.Nội dung nghiên cứu:
Điều tra, khảo sát và thu thập các nguồn gen thích hợp với tính chất và đặc điểm của từng loài.
  1. Bảo tồn lâu dài và an toàn các nguồn gen đã thu thập được thích hợp với đặc tính sinh học cụ thể của từng đối tượng cần giữ, trình độ kỹ thuật, khả năng thiết bị của cơ quan có nhiệm vụ lưu giữ, quy mô cần bảo tồn.
  2. Đánh giá các nguồn gen theo các chỉ tiêu sinh học cụ thể phù hợp với đối tượng.
  3. Tư liệu hóa: các nguồn gen sau khi đánh giá đều phải tư liệu hóa dưới các hình thức: phiếu điều tra, phiếu miêu tả, hình vẽ, bản đồ phân bố, chụp ảnh, ấn phẩm, catalog hoặc xây dựng cơ sở dữ liệu tin học.
  4. Trao đổi thông tin tư liệu và nguồn gen cần được tiến hành thường xuyên giữa các cơ quan tham gia trong hệ thống bảo tồn, lưu giữ đồng thời cung cấp các thông tin tư liệu về nguồn gen cho các cơ quan khoa học, sản xuất khi có nhu cầu. Trường hợp cần thiết có thể trao đổi với nước ngoài nhưng phải được các cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.
2.2. Đối tượng nghiên cứu
  1. Ưu tiên các nguồn gen quý hiếm, đặc thù của Việt Nam đang có nguy cơ bị mất.
  2. Các nguồn gen đã được đánh giá các chỉ tiêu sinh học.
  3. Các nguồn gen cần cho công tác nghiên cứu, lai tạo giống và phục vụ đào tạo.
  4. Các nguồn gen nhập từ nước ngoài đã được ổn định và thuần hóa ở Việt Nam, có ý nghĩa quan trọng trong sản xuất. 
3.VĂN BẢN PHÁP QUY
*QUY CHẾ VỀ QUẢN LÝ VÀ BẢO TỒN NGUỒN GEN THỰC VẬT, ĐỘNG VẬT VÀ VI SINH VẬT (Ban hành kèm theo Quyết định số: 2117/1997/QĐ-BKHCM&M ngày 30 tháng 12 năm 1997)
I. QUY ĐỊNH CHUNG
1. Nguồn gen được quy định trong Quy chế này là những sinh vật sống hoàn chỉnh hay bộ phận sống của chúng mang thông tin di truyền sinh học có khả năng tạo ra hay tham gia tạo ra giống mới của thực vật, động vật và vi sinh vật.
2. Nguồn gen thực vật, động vật và vi sinh vật là tài nguyên quốc gia và là một bộ phận hợp thành quan trọng trong việc bảo vệ tính đa dạng sinh học, phục vụ cho hoạt động nghiên cứu và phát triển khoa học và kinh tế của các ngành: nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản, công nghiệp thực phẩm, y tế.
3. Bảo tồn, lưu giữ tài nguyên di truyền được tiến hành dưới nhiều hình thức khác nhau (Insitu, Exsitu, On-Farm, in vivo, in vitro) tại các cơ sở, tổ chức, các thành phần kinh tế khác (trong đó có cả tư nhân) và được liên kết thành một Mạng lưới dưới sự quản lý thống nhất của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường.
II. NỘI DUNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ VỀ BẢO TỒN, LƯU GIỮ NGUỒN GEN
1. Điều tra, khảo sát và thu thập các nguồn gen thích hợp với tính chất và đặc điểm của từng cây, con và vi sinh vật.
2. Bảo tồn lâu dài và an toàn các nguồn gen đã thu thập được thích hợp với đặc tính sinh học cụ thể của từng đối tượng cần giữ, trình độ kỹ thuật, khả năng thiết bị của cơ quan có nhiệm vụ lưu giữ quy mô cần bảo tồn.
3. Đánh giá các nguồn gen theo các chỉ tiêu sinh học cụ thể phù hợp với đối tượng.
4. Tư liệu hoá: các nguồn gen sau khi đánh giá đều phải tư liệu hoá dưới các hình thức: phiếu điều tra, phiêu miêu tả, phiếu đánh giá, hình vẽ, bản đồ phân bố, chụp ảnh, ấn phẩm thông tin, catalog hoặc xây dựng cơ sở dữ liệu tin học.
5. Trao đổi thông tin tư liệu và nguồn gen cần được tiến hành thường xuyên giữa các cơ quan tham gia trong hệ thống bảo tồn, lưu giữ đồng thời cung cấp các thông tin tư liệu về nguồn gen cho các cơ quan khoa học, sản xuất khi có nhu cầu. Trường hợp cần thiết có thể trao đổi với nước ngoài nhưng phải được các cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.
III. ĐỐI TƯỢNG CẦN ĐƯỢC ĐƯA VÀO BẢO TỒN, LƯU GIỮ
1. Ưu tiên các nguồn gen quý, hiếm đặc thù của Việt Nam và đang có nguy cơ bị mất.
2. Các nguồn gen đã được đánh giá các chỉ tiêu sinh học.
3. Các nguồn gen cần cho công tác nghiên cứu, lai tạo giống và phục vụ đào tạo.
4. Các nguồn gen được nhập từ nước ngoài đã được ổn định và thuần hoá ở Việt Nam, có ý nghĩa quan trọng trong sản xuất.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Hoạt động quản lý và bảo tồn, lưu giữ nguồn gen được tiến hành trên phạm vi cả nước. Hệ thống các cơ quan tham gia bảo tồn, lưu giữ nguồn gen của các Bộ, ngành, địa phương được liên kết thành một Mạng lưới các cơ quan bảo tồn, lưu giữ nguồn gen và đặt dưới sự quản lý thống nhất của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường.
2. Hoạt động quản lý và điều hành Mạng lưới cơ quan bảo tồn, lưu giữ nguồn gen bao gồm các nội dung sau:
- Hướng dẫn nghiệp vụ, xây dựng kế hoạch và tổ chức xét duyệt các Đề án bảo tồn, lưu giữ nguồn gen hàng năm để trình Lãnh đạo Bộ, ngành, địa phương và Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường xét duyệt.
- Tổ chức cho các cơ quan tham gia trong hệ thống đăng ký chủng loại gen đang được bảo tồn, lưu giữ tại các cơ quan đó theo Đề án chung đã được duyệt và Đề án trong năm về các chỉ tiêu số lượng, chất lượng cụ thể.
- Xây dựng số kiểm tra hàng năm về kế hoạch bảo tồn, lưu giữ nguồn gen để hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương làm kế hoạch.
- Hàng năm, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường hướng dẫn kế hoạch khoa học, công nghệ và môi trường trong đó có kế hoạch về bảo tồn, lưu giữ nguồn gen thực vật, động vật và vi sinh vật.
Trên cơ sở đó, các Bộ, ngành, địa phương hướng dẫn và tổng hợp nhu cầu bảo tồn, lưu giữ nguồn gen của các cơ quan thực hiện gửi Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường cùng với toàn bộ kế hoạch khoa học, công nghệ và môi trường của năm sau. Kế hoạch bảo tồn, lưu giữ nguồn gen phải được thảo luận trong Hội nghị thảo luận kế hoạch năm của Bộ, ngành, địa phương và được tổng hợp trình Lãnh đạo Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường phê duyệt cùng các nội dung khác của kế hoạch khoa học, công nghệ và môi trường.
- Kiểm tra, đôn đốc các mặt hoạt động các cơ quan tham gia hệ thống bảo tồn, lưu giữ. Trong trường hợp cần thiết, khi các cơ quan không chấp hành các điều khoản trong quy định này hoặc không đủ khả năng đảm đương nhiệm vụ thì có thể đề nghị Lãnh đạo Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường đình chỉ hoặc chuyển giao nhiệm vụ cho cơ quan khác.
*CÔNG ƯỚC ĐA DA DẠNG SINH HỌC
Nội dung Công ước Đa dạng sinh học được nội luật hóa trong Luật Đa dạng sinh học của Việt Nam
Công ước Đa dạng sinh học là một hiệp ước khung được thông qua tại Hội Nghị thượng đỉnh về Môi trường và Phát triển bền vững năm 1992 tại Rio de Janero (Brazin), có hiệu lực từ ngày 29/12/1993. Tính đến tháng 5 năm 2009 đã có 191 quốc gia là thành viên của Công ước này. Việt Nam đã chính thức gia nhập Công ước vào ngày 16/11/1994. Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường làm cơ quan đầu mối, giúp Chính phủ tổ chức thực hiện Công ước này.
          Mục tiêu chính của Công ước nhằm bảo tồn đa dạng sinh học; sử dụng bền vững các thành phần của đa dạng sinh học; và chia sẻ công bằng và hợp lý những lợi ích thu được từ việc sử dụng tài nguyên sinh học.
          Để đạt được mục tiêu trên, nội dung cơ bản của Công ước tập trung vào bảo tồn đa dạng sinh học và sử dụng bền vững các thành phần của đa dạng sinh học; tiếp cận và chuyển giao công nghệ; quản lý công nghệ sinh học và chia sẻ lợi ích. Ngoài ra, Công ước cũng quy định về các biện pháp khuyến khích bảo vệ đa dạng sinh học, hợp tác quốc tế; trao đổi thông tin; các nguồn tài chính và cơ chế tài chính, v.v… trong việc bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học trên phạm vi toàn cầu. Thực hiện các nội dung trên, các nước cam kết tiến hành một số họat động chính như: xây dựng hệ thống khu bảo tồn, trong đó tiến hành các biện pháp cần thiết để bảo tồn và phát triển bền vững các hệ sinh thái; bảo tồn và phát triển bền vững các loài sinh vật và tài nguyên di truyền; kiểm soát và quản lý rủi ro của sinh vật biến đổi gen đối với môi trường, đa dạng sinh học và sức khoẻ con người; kiểm soát các loài sinh vật ngoại lai xâm hại môi trường.
          Để hoàn thiện hệ thống pháp luật về đa dạng sinh học, luật hóa có hệ thống và thống nhất các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, thực hiện các cam kết quốc tế về đa dạng sinh học phục vụ mục tiêu phát triển bền vững đất nước, Luật Đa dạng sinh học đã được Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 13 tháng 11 năm 2008 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2009 nhằm đáp ứng các yêu cầu trên. Luật có 8 chương, 78 điều. Luật quy định về nguyên tắc và chính sách bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học; quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học; bảo tồn và phát triển bền vững hệ sinh thái tự nhiên, các loài sinh vật và tài nguyên di truyền; hợp tác quốc tế về đa dạng sinh học;  cơ chế, nguồn lực và phát triển bền vững đa dạng sinh học.
Các nội dung cơ bản của Công ước Đa dạng sinh học đã được nội luật hóa trong Luật Đa dạng sinh học, cụ thể:
1. Quy định rõ và đầy đủ về nội dung và trình tự, thủ tục lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học cấp cả nước và cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; mục tiêu và tiêu chí chủ yếu để phân cấp và thành lập khu bảo tồn; trình tự, thủ tục lập, thẩm định dự án và quyết định thành lập khu bảo tồn; chế độ quản lý và bảo vệ, các chính sách đầu tư đối với các phân khu chức năng và vùng đệm; trách nhiệm và quyền lợi của các bên liên quan, đặc biệt là đối với cộng đồng dân cư sinh sống trong và xung quanh các khu bảo tồn. Khu bảo tồn được phân thành 4 loại, bao gồm vườn quốc gia; khu dự trữ thiên nhiên; khu bảo tồn loài - sinh cảnh; và khu bảo vệ cảnh quan. Căn cứ vào mức độ đa dạng sinh học, giá trị đa dạng sinh học, quy mô diện tích, khu bảo tồn được phân thành khu bảo tồn cấp quốc gia và cấp tỉnh để có chính sách quản lý, đầu tư phù hợp. Ngoài ra, Luật quy định về điều tra, đánh giá và xác lập chế độ phát triển bền vững đối với các hệ sinh thái tự nhiên trên biển, các vùng đất ngập nước tự nhiên, vùng núi đá vôi, vùng đất chưa sử dụng nhằm phục hồi và bảo vệ các hệ sinh thái tự nhiên, môi trường sống tự nhiên.
2. Quy định rõ và đầy đủ về bảo tồn và phát triển bền vững các loài sinh vật, bao gồm bảo vệ loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ và phát triển bền vững các loài sinh vật. Căn cứ vào tiêu chí, các loài hoang dã có giá trị đang bị đe dọa tuyệt chủng hoặc nguy cấp ở mức cao được đưa vào Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ và có chế độ quản lý, bảo vệ. Khu vực có loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ sinh sống tự nhiên thường xuyên hoặc theo mùa được điều tra, đánh giá để lập dự án thành lập khu bảo tồn. Quản lý và cơ chế, chính sách, thành lập cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học nhằm mục đích nuôi, trồng loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; cứu hộ loài hoang dã; và lưu giữ giống cây trồng, vật nuôi, vi sinh vật và nấm đặc hữu, nguy cấp, quý, hiếm có giá trị. Ngoài ra, Luật còn quy định cụ thể về việc khai thác các loài hoang dã; nuôi, trồng; trao đổi, xuất khẩu, nhập khẩu, mua, bán, tặng cho, lưu giữ, vận chuyển; cứu hộ loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; bảo vệ cây trồng và vật nuôi đặc hữu hoặc có giá trị đang bị đe dọa tuyệt chủng; bảo vệ loài vi sinh vật và nấm đặc hữu hoặc có giá trị.
3. Quy định về trách nhiệm vụ quản lý nguồn gen và quản lý các họat động liên quan đến nguồn gen, việc lưu giữ và bảo quản lâu dài mẫu vật di truyền của các nguồn gen có giá trị, phát triển các ngân hàng gen, quản lý thống nhất thông tin và cơ sở dữ liệu về nguồn gen. Quy định rõ về trình tự, thủ tục hợp đồng, cấp phép tiếp cận nguồn gen. Đặc biệt là quy định rõ về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân được cấp phép tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích, đăng ký sở hữu đối với nguồn gen và tri thức truyền thống về nguồn gen.
4. Quy định về trách nhiệm quản lý rủi ro; lập, thẩm định báo cáo đánh giá rủi ro, cấp giấy chứng nhận an toàn; công khai thông tin về mức độ rủi ro và các biện pháp quản lý rủi ro do sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền của sinh vật biến đổi gen gây ra đối với đa dạng sinh học; và quản lý cơ sở dữ liệu về sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền của sinh vật biến đổi gen liên quan đến đa dạng sinh học.
          Việc xác định vị trí địa lý, giới hạn và biện pháp tổ chức quản lý, bảo vệ hành lang đa dạng sinh học; và dịch vụ môi trường liên quan đến đa dạng sinh học là biện pháp, công cụ hiệu quả mới nhằm bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học, được quy định trong Luật là những đóng góp quan trọng của Luật Đa dạng sinh học, vì đây là hai vấn đề hoàn toàn mới không những đối với Việt Nam mà cả các nước trong khu vực và thế giới.
          Luật Đa dạng sinh học đã quy định thống nhất các vấn đề mâu thuẫn, chồng chéo hoặc bất cập trong công tác quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học. Quy định rõ trách nhiệm của các bên liên quan đến đa dạng sinh học. Ngoài ra, Luật Đa dạng sinh học còn nội luật hóa các nghĩa vụ, trách nhiệm pháp lý quy định trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Đây là những nét mới và là những đóng góp lớn của Luật Đa dạng sinh học.
Vì vậy, có thể nói các nội dung chủ yếu của Công ước Đa dạng sinh học đã được nội luật hoá đầy đủ, toàn diện trong Luật Đa dạng sinh học của Việt Nam

         

RIA3

Đối tác