Ngày 29/07/2022, tại Thành phố Hà Nội, Bộ Khoa học và công nghệ đã tổ chức Hội đồng KH&CN đánh giá nghiệm thu kết quả nhiệm vụ KHCN cấp Nhà nước “Nghiên cứu khai thác và phát triển nguồn gen hải sâm vú Holothuria nobilis (Selenka, 1867)” thuộc Chương trình Quỹ gen cấp quốc gia.
Nhiệm vụ này do Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III là đơn vị chủ trì thực hiện, TS. Nguyễn Văn Hùng làm Chủ nhiệm nhiệm vụ. Nhiệm vụ thực hiện từ tháng 10/2017 đến 3/2022, và triển khai thực nghiệm tại Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thuỷ sản III, vùng biển Vịnh Vân Phong (Khánh Hoà) và vùng biển đảo Phú Quý (Bình Thuận) với các nội dung chính: (i) Nghiên cứu đặc điểm sinh học sinh sản và sinh trưởng hải sâm vú phân bố Nam trung bộ trong đó tập trung xác định các chỉ tiêu mùa vụ sinh sản, kích thước sinh dục lần đầu, sức sinh sản sản tương đối, sức sinh sản tuyệt đối và xác định tên loài hải sâm vú phân bố khu vực vùng biển Nam Trung bộ; (ii) Nghiên cứu xây dựng quy trình sản xuất giống nhân tạo hải sâm vú chủ yếu tập trung xác định các chỉ tiêu kỷ thuật như tỷ lệ thành thục của đàn hải sâm vú bố mẹ đạt trên 80%, tỷ lệ đẻ khi kích thích sinh sản đạt >50% số lượng hải sâm vú bố mẹ thành thục tham gia kích thích sinh sản, số lượng con giống hải sâm vú được sản xuất từ nhiệm vụ đạt 8000 con kích thước 2 cm, tỷ lệ sống đến giai đoạn con giống đạt trên 1%; xây dựng được tiêu chuẩn có sở hải sâm vú bố mẹ, hải sâm vú giống; (iii) và xây dựng quy trình nuôi thương phẩm hải sâm vú với tỷ lệ sống đến kích thước thương phẩm 0,5 kg/con đạt 70%.
Tại buổi nghiệm thu, các thành viên hội đồng đã đánh giá cao kết quả đạt được của nhiệm vụ dù thực hiện trong thời gian ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid 19 và địa điểm triển khai đề tài trên các vùng biển đảo xa. Nhiệm vụ đã hoàn thành các nội dung nghiên cứu và và sản phẩm theo đặt hàng và đúng thời gian quy định. Kết quả nổi bật của nhiệm vụ là (i) Xác định được một số đặc điểm sinh học sinh sản hải sâm vú như kích thước thành thục sinh dục lần đầu hải sâm vú có khối lượng thân > 0,7 kg có khả năng sinh sản. Mùa vụ sinh sản của hải sâm vú khu vực biển Nam trung bộ từ tháng 3 -8, tập trung cao nhất từ 4 – 6 hàng năm. Sức sinh sản của hải sâm vú tuỳ thuộc vào kích thước của hải sâm vú mẹ, sức sinh sản tuyệt đối của hải sâm bố mẹ có kích thước 0,9 -1,6 kg là 176.030 trứng/cá thể mẹ, sức sinh sản tương đối 147 trứng/g cá thể mẹ. Thời gian phát triển phôi của hải sâm vú từ 32 -36h ở nhiệt độ nước 28 -29,5 oC. Thời gian biến thái ấu trùng trôi nổi Auricularia 12 -15 ngày, đến ấu trùng Doliolaria bắt đầu xuống bám đáy là 16 -18 ngày và phát triển thành con giống Juvenile sau 35 -60 ngày.
Đồng thời, dựa trên đặc điểm hình thái phân loại và cấu trúc bộ xương trong và trật tự DNA trên gen CO1 mtDNA, nhiệm vụ đã xác định được hải sâm vú Holothuria nobilis có phân bố khu vực biển Nam trung bộ, các cá thể hải sâm vú bố mẹ thu thập tại biển đảo Trường sa Khánh Hoà được sử dụng nghiên cứu đặc điểm sinh học, làm bố mẹ nghiên cứu sinh sản nhân tạo và nuôi thương phẩm; (ii) nhiệm vụ cũng đã xây dựng qui trình sản xuất giống nhân tạo loài hải sâm vú với các kết quả chỉ tiêu kỷ thuật nuôi vỗ hải sâm vú bố mẹ đạt tỷ lệ sống 90 -93% trong 3 tháng và tỷ lệ thành thục 78 - 80 %. Kỹ thuật ương ấu trùng trôi nổi với tỷ lệ từ 25-27 %, giai đoạn ương từ Doliolaria đến Pentactula đạt tỷ lệ sống 15-16 % trong thời gian 7-9 ngày và giai đoạn con giống 2 cm đạt tỷ lệ sống 50%. Quy trình hải sâm vú đã được triển khai sản xuất thử tại cơ sở nghiên cứu và kết quả sản xuất được 20200 con giống hải sâm . Quy trình có tính ổn định cao, tỷ lệ sống đạt được từ ấu tùng trôi nổi đến con giống cỡ 2 cm đạt 2%. Từ các kết quả nghiên cứu đó nhiệm vụ đã xây dựng được các tiêu chuẩn cơ sở hải sâm vú bố mẹ, hải sâm vú giống chính xác; (iii) Con giống sản xuất nhân tạo đã được thử nghiệm nuôi thương phẩm ở vùng biển Vịnh Vân Phong (Khánh Hoà) bằng hình thức nuôi lồng treo và biển đảo Phú Quý (Bình Thuận) bằng hình thức lồng chìm đặt sát biển, tốc độ tăng trưởng của hải sâm vú đạt 100 -120 g/năm và tỷ lệ sống đạt cao nhất ở mô hình nuôi bằng lồng treo đạt 80%, năng suất đạt 0,74 kg/m3.
Ngoài ra, nhiệm vụ đã hoàn thành các sản phẩm khác như xuất bản 4 bài báo trên các tạp chí Quốc tế và trong nước, đào tạo 2 thạc sỹ chuyên ngành công nghệ sinh học và Nuôi trồng Thuỷ sản và tham dự 3 hội thảo khoa học và tổ chức hội thảo khoa học chuyên đề nghiên cứu hải sâm vú đạt các yêu cầu sản phẩm đề tài. Đề tài được các thành viên thống nhất nghiệm thu với loại đạt với 100% số phiếu tán thành.
Chủ tịch hội đồng và các thành viên đánh giá cao kết quả thực hiện của nhiệm vụ và đề xuất với cấp quản lý về định hướng phát triển kết quả nhiệm vụ ở quy mô dự án sản xuất thử nghiệm trong thời gian tới nhằm phổ biến kết quả và mở rộng hợp tác nghiên cứu tăng hình thức nuôi thương phẩm quy mô công nghiệp đem lại sản phẩm hàng hóa phục vụ chế biến, xuất khẩu ra ngoài nước, hạn chế người dân khai thác nguồn lợi hải sâm vú quý này từ tự nhiên./.